Khám phá thế giới Otaku – nét độc đáo trong văn hóa Nhật

Khám phá thế giới Otaku

Nếu đã là fan của anime, manga thì chắc hẳn bạn đã nghe đến cụm từ “Otaku”. Nếu bạn chưa biết hay vẫn đang mơ hồ về thuật ngữ này thì bây giờ hãy cùng Vietmart tìm hiểu “Otaku là gì?” và xem xem mình có phải là một Otaku chính hiệu hay không nhé!

Otaku là gì ?

Otaku (オタク hoặc おたく) là một từ lóng trong tiếng Nhật dùng ám chỉ những người quá yêu thích, say mê hoạt hình, truyện tranh, Vocaloid, cosplay hay những trò chơi điển tử đến mức khó hiểu. Từ này trên thế giới lại được hiểu chung là những người thích đọc truyện tranh và xem phim hoạt hình, phần lớn nó mang nghĩa tiêu cực.

Thuật ngữ này dần được mọi người đón nhận, trở nên ít tiêu cực hơn và ngày càng có nhiều người tự nhận mình là otaku, kể cả ở Nhật Bản hay bất cứ nơi nào trên thế giới. Trong một cuộc khảo sát vào năm 2013 với sự tham gia của hơn 137,734 thanh thiếu niên, có 42,2% tự nhận mình là một dạng của otaku.

Một số loại điển hình của Otaku

Anime/Manga Otaku

Khám phá thế giới Otaku

Đây có lẽ là kiểu phổ biến nhất và được biết đến nhiều nhất. Anime/Manga là một ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản. Đó là lý do tại sao có thể dễ dàng tìm thấy một bộ truyện tranh hay phim hoạt hình để thỏa mãn sở thích cá nhân của bạn.

Otaku thuộc tuýp người này, dành hàng giờ để xem và đọc anime và manga. Họ luôn cập nhật các tin tức mới nhất và các bản phát hành về bộ truyện yêu thích của họ. Kiểu người này quan tâm nhiều đến manga, họ có thể có bộ sưu tập truyện tranh hàng nghìn tập.

Gaming Otaku

Khám phá thế giới Otaku

Một loại otaku khác đang ngày càng phổ biến là loại otaku dành phần lớn thời gian rảnh để chơi các trò chơi điện tử khác nhau. Họ phân bổ phần lớn số tiền tiết kiệm của mình để mua các trò chơi mới hoặc các phụ kiện liên quan đến trò chơi. Một số gaming otaku có thể có nhiều bạn trên mạng hơn bạn ngoài đời và điều này có thể dẫn đến những người mê trò chơi điện tử có xu hướng là những người cô độc.

Anime Figure Otaku

Khám phá thế giới Otaku

Cũng giống như các otaku chơi game, họ dành phần lớn tiền tiết kiệm để mua các loại nhân vật khác nhau để thêm vào bộ sưu tập của mình. Để trở thành một Anime Figure Otaku, bạn phải thật sự là một “rich kid”. Họ sẽ sưu tầm những mô hình các nhân vật trong Game, Anime, Manga mà bản thân yêu thích để trưng bày trong các tủ trưng bày chuyên dụng và rất chăm chút cho chúng. Mỗi Figure như vậy có giá khoảng 2 triệu đồng.

Train otaku

Khám phá thế giới Otaku

Đúng như tên gọi, Train Otaku chính là những kẻ cuồng tàu. Đây là một trong những loại otaku hiếm nhất có hứng thú với mọi thứ liên quan đến đường sắt. Họ lượn lờ tại các nhà ga để chụp ảnh tàu chạy, ghi âm lại tiếng còi tàu, mua những quà lưu niệm hoặc món đồ liên quan đến tàu. Để chụp một tấm hình đẹp về tàu, những người này phải có những bước chuẩn bị rất công phu.

Cosplay Otaku

Khám phá thế giới Otaku

Các otaku này thường được thấy trong các hội nghị anime và các buổi chụp hình. Họ dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để làm trang phục. Họ là những người hòa đồng nhất trong tất cả các loại otaku vì họ tương tác với nhiều người khác nhau và đôi khi sẽ chụp ảnh với họ.

Họ hóa trang tất cả mọi thứ từ nhân vật trong anime, manga và nhân vật trò chơi điện tử. Hàng năm, có nhiều hội nghị khác nhau được tổ chức ở Nhật Bản để các cosplayer thể hiện tài năng của họ trong việc hóa trang thành nhân vật mà họ khắc họa.

Idol Otaku

Khám phá thế giới Otaku

Họ thường là thành viên của các câu lạc bộ idol. Họ mua CD và mọi hàng hóa có sẵn mà ban nhạc sẽ phát hành và về cơ bản là có mặt trong tất cả các buổi hòa nhạc của thần tượng. Bạn sẽ thấy họ thực hiện vũ đạo đồng bộ trong các buổi hòa nhạc và luôn có mặt khi idol tổ chức buổi gặp gỡ và chào hỏi.

Ngoài việc mất sức cho việc nhảy múa, các Idol Otaku còn tốn rất nhiều tiền cho việc theo đuổi thần tượng của mình. Để được bắt tay nhiều lần với thần tượng của mình, có những người đã mạnh tay mua đến 3000 đĩa CD.

Dấu hiệu nhận biết một Otaku

Khám phá thế giới Otaku

Nếu yêu thích một thứ gì đó vừa phải thì hoàn toàn là điều bình thường nhưng Otaku lại là những người có xu hướng yêu thích đến quá đà, dành quá nhiều thời gian cho việc đọc, xem, mua sắm những thứ đồ chơi hay sản phẩm có liên quan để nhân vật mà họ yêu thích.

Họ yêu thích đến mức khi người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ rằng đây là một sự kỳ lạ, vô bổ. Tuy nhiên, những Otaku thường không để ý đến điều đó, họ chỉ nghĩ đơn giản rằng đó là sở thích cá nhân và sống trong thế giới riêng của mình mặc kệ lời nói xung quanh. Chính vì thế không quá khó để nhận biết đâu là một Otaku chính hiệu.

Khi yêu thích một nhân vật trong anime hoặc manga nào đó, họ sẵn sàng dùng thời gian, tiền bạc và công sức để “săn lùng” tất cả những sản phẩm có tên hoặc hình ảnh nhân vật mà bản thân coi là idol. Nếu bước vào căn phòng của họ, bạn có thể sẽ choáng ngợp bởi hình ảnh của thần tượng của họ có ở khắp nơi và xuất hiện trên mọi đồ dùng từ cặp sách, gương, sách, quần áo, poster dán tường,…

Bạn sẽ rất dễ dàng bắt gặp các Otaku tại hầu hết các cửa hàng bán truyện tranh hoặc băng đĩa phim hoạt hình Nhật Bản. Để thỏa mãn đam mê của mình, họ thường sẽ mua và sưu tập toàn bộ truyện hoặc các DVD có liên quan đến nhân vật.

Khi nói chuyện, nếu họ tìm ra được những người có chung sở thích hoặc cùng hâm mộ một nhân vật nào đó, họ có thể dành hàng giờ để nói về vấn đề đó một cách say sưa không ngừng nghỉ. Để trao đổi, trò chuyện, cùng nhau sưu tập đồ dùng, hình ảnh của nhân vật trở nên dễ dàng hơn các Otaku thường lập ra các hội, nhóm người hâm mộ nhân vật, bộ phim, bộ truyện đó,…

Từ đồng nghĩa với Otaku

Trong tiếng Anh, từ này có nghĩa tương đương là “geek” hoặc “nerd”, nhưng khi dùng ở Nhật lại mang tính miệt thị xúc phạm hơn khi dùng ở các nước khác. Năm 1980, nhà báo Nakamori Akio đã dùng chữ “otaku” trong các bài báo của ông để chỉ những người lúc đó chỉ lo ngồi ở nhà ăn chơi.

Ngoài “geek” hoặc “nerd”, “weaboo” cũng là một trong những từ có ý nghĩa tương đương. Thuật ngữ weaboo để chỉ những người phương Tây quá ảo tưởng về thế giới trong các bộ truyện tranh, tiểu thuyết hay phim hoạt hình, thích sống theo văn hóa Nhật Bản dù đang ở các nước theo văn hóa khác, luôn mong muốn mình được qua Nhật và trở thành một phần của nước Nhật.

Khi từ “weaboo” được du nhập vào Việt Nam, nó bị biến thể thành “wibu” (phát âm của weaboo). Nhưng thuật ngữ wibu cũng bị lạm dụng, khiến nó bị hiểu lầm và được so sánh với từ otaku. Từ đó, người ta thường coi wibu là 1 từ tương đương với otaku, nhưng dùng để chỉ người nước ngoài thay vì là người Nhật. Tuy nhiên, đây là 1 quan niệm hoàn toàn sai lầm về wibu.

Nhìn chung thì tất cả các thuật ngữ này đều khá tương đương về mặt ý nghĩa, chỉ khác nhau về đối tượng sử dụng.

Những hiểu nhầm tiêu cực về Otaku

Nghĩa gốc của “otaku” chỉ đơn giản là “ngôi nhà”, dùng để chỉ những người quá đam mê cái gì đó đến độ không muốn rời khỏi nhà trừ khi trong trường hợp thực sự cần thiết. Trong đó, ví dụ điển hình nhất là những người trẻ đam mê thế giới ảo của game, anime và manga đến mức chỉ ru rú trong nhà, nên dần dà, từ này được dùng riêng để chỉ những đối tượng đam mê cuồng nhiệt nền văn hóa 2D của Nhật.

Trong một khoảng thời gian khá dài, khi nhắc đến Otaku người ta liền nghĩ ngay từ có nghĩa tiêu cực, họ được xem là những con người sống tách biệt với xã hội và không được chào đón. Họ thường dành hầu hết tất cả thời gian của mình để chìm đắm trong thế giới riêng của manga, anime, game và không quan tâm đến mọi thứ xung quanh nên các mối quan hệ ngoài xã hội cứ thế xa dần.

Họ không thể chia sẻ nhiều với mọi người và ngược lại người ngoài cũng không có cơ hội hiểu về họ nên trong suy nghĩ, người ta coi Otaku là những người chỉ lo ăn chơi.

Chính vì những suy nghĩ có phần tiêu cực này nên tại Nhật Bản, trong một khoảng thời gian dài trước đây, Otaku được xem là một sự xấu hổ hay sỉ nhục khi được nhắc đến. Vì không chịu được áp lực nhiều Otaku phải che giấu thân phận của mình để thuận tiện cho công việc và tránh gặp phải những lời chỉ trích từ mọi người xung quanh.

Tuy nhiên, thực tế nhiều người vẫn có khả năng cân đối giữa đời sống và việc thỏa mãn đam mê với phim, ảnh, truyện hay các nhân vật của mình. Sau một thời gian dài, nhiều người cũng đã có những cái nhìn thoáng hơn về Otaku. Otaku cũng đã dần trở thành một nét văn hóa độc đáo của Nhật Bản.

VIETMART – SIÊU THỊ THỰC PHẨM VIỆT TẠI NHẬT – CHỢ VIỆT NAM TẠI NHẬT BẢN

Hotline: 080-3844-7999
Địa chỉ: 〒544-0001 大阪府大阪市生野区新今里 3-3-1
Website: vietmartjp.com
Tổng hợp chương trình ưu đãi: Xem tại đây

Trả lời